Ngôn ngữ

BỐI CẢNH

Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên hành trình phát triển trong 30 năm qua. Với những cải cách kinh tế quan trọng được khởi xướng vào năm 1986 nhằm mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã chuyển đổi từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Mục tiêu cao nhất của Chính phủ Việt Nam là tăng trưởng từ một quốc gia thu nhập trung bình thấp thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam còn đương đầu với nhiều thách thức trong việc duy trì đà tăng trưởng trong khi vẫn phải đảm bảo tăng trưởng toàn diện và bền vững với môi trường. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác với Việt Nam nhằm giải quyết những thách thức quan trọng về điều hành nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân và năng lực của lực lượng lao động trước yêu cầu của nền kinh tế số. USAID cũng hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế số với dự báo sẽ tăng trưởng lên 39 tỷ đô la vào năm 2025 và đóng vai trò là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

CẢI THIỆN CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH KINH TẾ

Trong gần hai thập kỷ qua với sự hỗ trợ của USAID, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được quốc tế công nhận của Việt Nam đã thúc đẩy cải cách ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh nhằm cải thiện đáng kể môi trường đầu tư kinh doanh. Phát huy thành công này, USAID đang hỗ trợ một công cụ mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh thông qua đối thoại công tư mang tên Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Ra mắt vào tháng 4 năm 2023, PGI đánh giá và xếp hạng chính sách môi trường của các tỉnh từ góc nhìn của doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện với môi trường và thu hút đầu tư xanh. Thông qua những công cụ khuyến khích cạnh tranh giữa các tỉnh về hiệu quả của các chính sách điều hành kinh tế, USAID đã góp phần nâng cao tiếng nói của khu vực tư nhân trong các nỗ lực cải cách nhằm tạo đà cho tăng trưởng bền vững. USAID đang áp dụng những công cụ này để hỗ trợ nâng cao năng lực và sự kết nối giữa chính quyền địa phương và các tổ chức địa phương, đồng thời cải thiện mối liên kết với chính quyền trung ương về các vấn đề ưu tiên tại địa phương. USAID cũng hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh áp dụng chính phủ điện tử theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm cải thiện sự tham gia, tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân. USAID cũng đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng các quy định mang tính hiệu quả cho ngành thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng và cải thiện các nền tảng thương mại số, trong đó có sử dụng đóng góp đầu vào của khối tư nhân.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA KHỐI TƯ NHÂN 

Dựa trên hơn hai thập kỷ hỗ trợ thúc đẩy thương mại, USAID đang tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) - xương sống của nền kinh tế Việt Nam- đang phải đối mặt. Hỗ trợ bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng và tài chính, cải thiện hiệu quả kinh doanh của các DNVVN và hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm tinh giản các thủ tục hành chính thông qua cải thiện chính sách và quy định. USAID hướng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ và các nhóm yếu thể làm chủ hoặc điều hành, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào những lĩnh vực đang góp phần giúp quốc gia cải thiện môi trường và thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu.

TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG SẴN  SÀNG CỦA LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG TRƯỚC YÊU CẦU CỦA NỀN KINH TẾ SỐ 

Việt Nam nhận thấy tương lai của quốc gia không chỉ nằm ở lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động. USAID đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế số, trong đó đề cao vai trò của đổi mới công nghệ và tinh thần kinh doanh, chuyển đổi số cho DNNVV và nâng cao năng lực của đội ngũ lao động số có tay nghề cao để duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh của nền kinh tế số và đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

CÁC DỰ ÁN

  • Chỉ số Xanh cấp tỉnh đánh giá và xếp hạng chính sách môi trường của các tỉnh từ góc nhìn của doanh nghiệp với mục tiêu thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện với môi trường và thu hút đầu tư xanh. [Thời gian thực hiện: 2023-2028; Ngân sách: 3,8 triệu đô la]
  • Dự án Tăng cường Năng lực Cạnh tranh khu vực tư nhân thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động và sáng tạo thông qua gỡ bỏ các rào cản về chính sách, thị trường và của chính doanh nghiệp đang cản trở sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm yếu thế làm chủ và điều hành. [Thời gian thực hiện: 2020-2025, Ngân sách: 36 triệu đô la]
  • Dự án INVEST thúc đẩy đầu tư tư nhân cho những lĩnh vực có tác động lớn bao gồm hạ tầng, năng lượng và y tế. [Thời gian thực hiện: 2019-2024; Ngân sách: 10,13 triệu đô la] 
  • Dự án hợp tác với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực tạo thuận lợi thương mại và kiểm tra chuyên ngành. [Thời gian thực hiện: 2015-2023; Ngân sách: 750.000 đô la] 
  • Dự án Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp (WISE) mở rộng phân khúc kỹ các kỹ năng chuyên biệt của thị trường lao động Việt Nam nhằm cải thiện khả năng phát triển và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam. [Thời gian thực hiện: 2021-2023, Ngân sách: 2,2 triệu đô la]
  • Dự án Nâng cao năng lực, khả năng thích ứng và bền vững tài chính cho Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) củng cố vai trò của VCCI trong việc điều phối tiếng nói của khu vực tư nhân, thúc đẩy cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho quan hệ đối tác công-tư nhằm phát triển những hạ tầng cần thiết nhất của đất nước. [Thời gian thực hiện: 2021-2023, Ngân sách:1,45 triệu đô la] 
  • USAID hỗ trợ Bộ Tài chính trong lĩnh vực Quản lý tài chính công giúp nâng cao năng lực quản lý tài chính nhà nước của Bộ Tài chính nhằm cải thiện hiệu quả và tính minh bạch của hoạt động quản lý tài chính công. [Thời gian thực hiện: 2021-2023, Ngân sách: 1 triệu đô la]

Thư viện ảnh

Share This Page